Multilingual News Tiếng Việt (Vietnamese)

Liên Minh Chính Trị Andover (APU) Mời Đại Biểu Trâm Nguyễn Tham Gia Buổi Khuyến Khích Thảo Luận Chính Trị

Nằm trong chuỗi diễn giả của APU, đại diện Trâm Nguyễn đã phát biểu về tầm quan trọng của sự đa dạng và việc tham gia chính trị trong Thư viện Oliver Wendell Holmes.

Dưới sự hợp tác của tổ chức LeadHer và Hiệp hội Đông Nam Á, Liên minh Chính trị Andover (APU) đã mời đại biểu từ Massachusetts, bà Trâm Nguyễn, đại diện thứ 18 của quận Essex, làm diễn giả khách mời tuần này. Với tình hình cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sắp tới, APU mong muốn mời đại biểu từ mọi khuynh hướng chính trị, và đại biểu Trâm Nguyễn sẽ đại diện cho Đảng Dân chủ.

Ông Derek Curtis, thủ thư chương trình và hỗ trợ sinh viên tại Thư viện Oliver Wendell Holmes, đã giải thích quyết định của APU khi mời đại biểu Trâm Nguyễn. Ông đã đề cập tới những kết nối của bà Trâm với cộng đồng Andover trong quá khứ cũng như bàn về những lợi ích mà sinh viên sẽ nhận được thông qua buổi đối thoại này.

“Nhìn chung, APU đã thấy rằng chính trị đang trở nên ngày càng căng thẳng, và chúng tôi cần phải đưa ra những hành động cụ thể để mang mọi người lại gần nhau nhằm thảo luận về những vấn đề khó khăn bằng cách củng cố sự tôn trọng lẫn nhau cũng như khuyến khích các cuộc đối thoại thiện chí. Nếu chúng ta có bất đồng với nhau mà không nói ra, nền dân chủ nói chung hay chính cộng đồng này nói riêng sẽ không toàn vẹn. Nếu bất kỳ ai sợ và không dám nói lên suy nghĩ của mình về một đề tài nào đó, cộng đồng sẽ khó mà phát triển. Điều đó khá phổ biến với chính trường ngày nay, và tôi cảm thấy rằng ban tổ chức muốn tổ chức các buổi tọa đàm này để mọi người có thể thảo luận về những vấn đề như thế,” Ông Curtis chia sẻ.

Ông tiếp tục phát biểu: “Điều quan trọng là người tham gia có thể nghe được những chia sẻ từ người phát biểu nói về lý do họ tham gia chính trường, vì sao họ nghĩ chính trị quan trọng cũng như một số quan điểm chính trị của họ. Đó không chỉ là cơ hội để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của việc tham gia chính trị, mà còn để thảo luận với những cá nhân mà bạn đồng tình hay phản đối, đặt câu hỏi, đồng thời nhận được những câu trả lời trực tiếp từ họ. Chính điều đó sẽ hình thành nên loại đối thoại chính trị mà chúng tôi mong muốn, và nhà trường cũng hy vọng học sinh sẽ tham gia.”

Nurul Iza Khairunnisa, học sinh sắp tốt nghiệp khóa 2025, thành viên ban quản trị của APU, đã thảo luận về những tác động mà bài phát biểu của bà Trâm hy vọng sẽ mang lại cho cộng đồng Andover. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác với các chính trị gia địa phương cũng như việc có nhận thức rõ ràng hơn về chính trị.

“Vấn đề với nhiều cử tri trẻ hiện nay là họ không chú ý đến những gì đang diễn ra, và vì bà Trâm là đại biểu bang của Andover, bà chắc chắn đang tham gia vào các quyết định liên quan đến môi trường sống quanh chúng ta. Việc đưa những người như bà ấy đến đây là rất cần thiết để chứng minh rằng chính trị không chỉ là những thứ trên truyền hình. Bất kỳ quyết định nào mà chính khách đưa ra đối với thị trấn sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, vậy nên mọi người cần quan tâm đến nó hơn,” Khairunnisa chia sẻ.

Đến Mỹ với tư cách là một người tị nạn chính trị, bà Trâm Nguyễn đã giải thích rằng sự đa dạng là điều cần thiết trong chính trị. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích giới trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị và bàn thêm về giá trị của việc lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau.

“Chúng ta cần làm tốt hơn trong công tác tiếp cận công chúng và khiến họ hiểu rằng chính phủ hoạt động vì lợi ích của họ. Khi bàn về tính đại diện và đa dạng chính trị, càng nhiều người tham gia thì mọi người càng có lợi. Hiện tại, trong cơ quan lập pháp, độ tuổi trung bình là từ 50 đến 60 tuổi. Chúng ta không có nhiều nhân sự thuộc thế hệ cuối 8x và đầu 9x, và đó là một vấn đề. Làm cách nào mà chúng ta có thể thu hút giới trẻ tham gia khi họ không cảm thấy kết nối với các quan chức chính phủ quanh họ? Chúng ta cần làm tốt hơn trong việc thu hút những cộng đồng này,” bà Trâm phát biểu.

“Việc xử lý các dự luật đòi hỏi chúng tôi phải giao tiếp và hợp tác với nhau, cũng như tham gia vào các cuộc tranh luận,” bà Trâm tiếp tục. “Một điều mà chúng tôi học được là: khi bạn đứng lên vì những ý kiến không được quan tâm, đó chính là lúc bạn ngộ ra nhiều điều nhất. Và dĩ nhiên tôi cũng rất thích có người phản bác mình  vì họ mang đến một góc nhìn mới mà tôi có thể chưa có. Ta thực sự học hỏi được nhiều hơn từ những người không đồng tình với mình hơn là những người cùng quan điểm, đó là lý do tại sao tôi vẫn phải nói rằng cơ quan lập pháp Massachusetts hoạt động rất khác so với Quốc hội. Tất cả những cuộc tranh luận mà bạn thấy ở cấp liên bang không xuất hiện ở đây. Thẳng thắn mà nói, có thể vì chúng tôi có đa số áp đảo, nhưng chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các đảng viên Cộng hòa.”

Katherine Browder, sinh viên sắp tốt nghiệp khóa 2026, thành viên ban quản trị của APU, đã nhấn mạnh cam kết của APU đối với việc tranh luận tôn trọng và cô hy vọng rằng việc mời các diễn giả với những quan điểm khác nhau, như đại biểu Trâm Nguyễn, sẽ truyền cảm hứng cho hành động này.

“Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người từ tất cả các khuynh hướng chính trị tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận ý kiến của mình một cách tôn trọng. Chúng tôi mời các diễn giả từ cả hai Đảng chính trị đến để thảo luận và lấy ý kiến… Tuần này, chúng tôi có một diễn giả là đại diện Đảng Dân chủ đến để phát biểu. Chúng tôi mời mọi người đến để chia sẻ những ý kiến khác nhau và thảo luận trên tinh thần tôn trọng nhau,” Browder nói.

 

Translated by Dolly Nguyen