Một linh hồn mê hoặc lung linh như giọt sương mai trên cánh hoa sen. Những cánh đồng lúa trải dài đến tận chân trời với những khu chợ vùng quê, rộn ràng nhịp sống, nơi chúng ta nghe những bài hát ru và những câu chuyện cổ tích của ông bà bằng âm thanh chúng ta hiếm nghe trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mang một tinh thần sôi nổi hòa mình vào dòng chảy thế giới, dường như thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường, vừa thú vị lại vừa nguy hiểm. Chúng ta ngày càng bị giằng xé giữa một bên là sức hấp dẫn của một xã hội toàn cầu hóa còn một bên là căn tính.
Không thể phủ nhận lợi ích của việc đi du học. Du học là ước mơ của nhiều người và với nhiều người du học là chìa khóa cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy vậy, khi ta đeo đuổi một bản sắc toàn cầu, ta lại có nguy cơ đánh mất căn nguyên của mình. Tiếng Việt, chẳng những là công cụ giao tiếp, mà còn là văn học, lịch sử và là bản sắc văn hóa. Tiếng Việt chuyên chở những câu chuyện dân gian, những câu chuyện gắn kết lớp lớp thế hệ và còn chứa đựng trong đó trí tuệ của ông bà ta. Vậy nên, khi thế hệ tương lai sử dụng tiếng Anh hay bất kỳ thứ tiếng nào khác làm phương thức biểu đạt, ta cần hỏi mình rằng: Liệu trong quá trình đó, có chăng ta đã đánh mất một phần bản thể?
Khi những đứa trẻ bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở những môi trường chỉ xem Tiếng Việt là ưu tiên thấp còn những tiết Tiếng Anh thì choáng mất thời khóa biểu, sự giàu đẹp của ngôn ngữ chúng ta bị mai một. Bản thân tôi đã trực tiếp trải qua những điều tương tự. Là một người đã dành mười hai năm cuộc đời học tại hai trường quốc tế tư thục, một Anh một Mỹ, hiển nhiên, tôi thành thạo tiếng Anh và thứ ngôn ngữ này cũng trở thành một phần của tôi. Đáng buồn thay, sự thành thạo này đã phải trả giá bằng việc năng lực tiếng Việt của tôi ngày một giảm. Dần dần, tôi đã trở thành một vị khách ghé tạm chính nơi mà tôi thấy vô cùng quen thuộc. Khi một đứa trẻ Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm từ để diễn đạt ngay cả một ý đơn giản có lẽ đó cũng là lúc chúng dần mất đi kết nối với gia đình mình. Những cuộc trò chuyện bằng tiếng việt đã từng trôi chảy nay bỗng trở nên gượng gạo. Và trớ trêu thay, tại ngay nơi mà tôi thân thuộc nhất, thứ Tiếng Việt chúng tôi dùng để trò chuyện đã bị thay thế bởi một thứ ngôn ngữ ngoại lai. Những cuộc họp mặt gia đình đã từng rộn rã tiếng nói cười, nay dần trở nên lạnh nhạt. Sẽ thế nào nếu thế hệ trẻ Việt Nam có thể đọc làu làu Shakespeare, nhưng lại chẳng thể nói nổi được mấy câu bằng tiếng Việt với các cụ trong nhà?
Tương lai phía trước có thể đầy rẫy những thách thức khi ta đi tìm mình trong thế giới nghẹt những tiếng ồn. Nhưng thật ra tất cả chúng ta, chẳng riêng gì những người trẻ tuổi, phải đi tìm lời giải cho vấn đề này. Gia đình, những nhà giáo dục và những nhà lãnh đạo cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc và trang bị cho thế hệ tương lai những kỹ năng cần thiết để bước ra thế giới với căn tính Việt Nam. Giáo dục song ngữ có thể là chiếc cầu nối, kết nối điều tốt đẹp nhất từ cả hai ngôn ngữ. Trong các trường học, Tiếng Việt cần được tôn vinh bên cạnh những ngôn ngữ khác và quá trình giảng dạy Tiếng Việt cũng cần kết hợp với những bài học về văn hóa mà có mối liên hệ đến đời sống hiện nay của học sinh. Thêm vào đó, chúng ta cần tạo ra không gian trong cộng đồng để cho Tiếng Việt phát triển một cách mạnh mẽ, thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi workshop hay những buổi kể chuyện. Và cũng đừng quên rằng cứ mỗi một từ ta nói ra bằng tiếng mẹ đẻ là một viên gạch củng cố không chỉ là căn tính của ta mà còn là củng cố cấu trúc xã hội. Vậy nên, tới những ai vẫn đang loay hoay đi tìm sự cân bằng giữa các nền văn hóa, xin nhớ cho rằng ngôn ngữ không chỉ là về những từ đơn lẻ. Mà ngôn ngữ còn là những câu chuyện ta kể, và cùng nhau, ta có thể tôn vinh ngôn ngữ của mình, truyền vào những lời kể một thứ nhựa sống mới và để chắc rằng những lời kể này, rồi đây sẽ vang vọng qua các thế hệ mai sau.
Translated by Dolly Nguyen